Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Trò chuyện với một bạn đọc Bờ Bên Kia


Bạn thân mến.

Cảm ơn lá thư của bạn về những mối quan tâm đến tác phẩm Bờ Bên Kia. Cuốn tiểu thuyết này tôi viết xong đã lâu, gửi tặng bạn đọc rồi cứ tưởng là mình hết trách nhiệm. Hôm nhận được thư bạn, tôi thật tình muốn trả lời ngay những câu hỏi của bạn. Nhưng khi tôi cố quay về vùng không gian tiểu thuyết đó, nó lại hiện ra ở một bến bờ nào mờ ảo xa xăm, không rõ đường về, không có đò sang.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian viết truyện, có những lần vì bận rộn công việc tôi phải ngưng sáng tác một thời gian dài. Sau đó tìm về bờ bên kia rất khó khăn. Cứ như là tôi đánh mất tiếng gọi đò, cứ loay hoay mãi trong vùng lau sậy rối rắm bên này, thấy tuyệt vọng và thất lạc.
Có thể là cuộc sống đời thường và cuộc sống văn chương của tôi có những khoảng cách quá lớn, con người thật và con người văn của tôi quá khác biệt, mà tôi lại không có những phút thư giãn làm cầu nối đưa mình đi giữa hai bến bờ.
Khoảng thời gian mất dấu bờ bên kia lâu nhất là vào năm 2011-2014. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu viết vào khoảng năm 2009, khởi đăng năm chương đầu tiên trên Litviet (https://litviet.wordpress.com/) vào tháng 9. 2011, rồi Litviet đóng cửa, tôi ngưng viết. Một năm sau đó tôi tìm cách quay lại bờ bên kia, nhưng không sao sang được bên ấy, thơ thẩn chờ hết hai mùa hoa đào rơi bỗng rồi nghe được tiếng mái chèo khua nước trên sông.
Bây giờ tôi cố gắng miêu tả nó cho bạn, trong những ngày nghỉ lễ cuối năm này tôi may mắn có một khoảng không gian tĩnh lặng để chờ một chuyến đò, nhưng cảm xúc ngày này chắc không còn đầy đủ như ngày trước.


Bạn muốn biết, nhân duyên nào dẫn đến việc viết ra truyện này.
Thưa bạn, Bờ Bên Kia cũng như những truyện ngắn khác tôi viết về Berlin, viết về cuộc sống xung quanh mình, viết về những cảm xúc trải nghiệm. Có thể bạn thấy những nhân vật của tôi xa lạ, bầu không gian miền Bắc Âu lạnh lẽo khác biệt, nỗi nhớ thương sao khó cảm thông. Bởi vậy mà bạn thắc mắc, viết một câu chuyện về những thứ xa lạ đó để làm gì.
Trước tiên phải trả lời bạn câu hỏi, viết để làm gì.
Bạn mến. Tôi viết cho bản thân tôi, cho đam mê lý tưởng, viết để chia xẻ với bạn đọc những trải nghiệm sống và trải nghiệm đọc. Một phần khác, văn chương làm cuộc sống của tôi đa dạng nhiều ý nghĩa hơn, làm tính cách tôi mạnh mẽ hơn. Văn chương nuôi dưỡng tình yêu quê hương của tôi, bồi đắp tình người và sự cảm thông. Vì công việc viết mà tôi tìm đọc nhiều mảng đề tài khác nhau, luôn bị các nhân vật thúc dục trao dồi kiến thức, luôn tự ép buộc mình phải tiến về phía trước. Do thời gian rảnh rỗi của tôi ít ỏi, tôi dẹp bớt những chuyện tào lao khác. Tôi chưa có tài khoản facebook, tôi không tụ tập hát karaoke mỗi cuối tuần, không tốn công sắm sửa ăn diện, không kè kè iphon bên mình (tôi chẳng có iphon chỉ có một điện thoại cùi bắp đời 2000 không mấy khi mở), không đàn đúm đôi co với hội các bà buôn dưa, không tốn thời gian đi nhảy nhót, không è cổ nấu nướng tiệc tùng ăn nhậu cuối tuần… Không có những chuyện tào lao kinh khủng đó, tôi sống khỏe và thanh thản.
Tiếp tục trả lời thắc mắc của bạn về một tác phẩm xa lạ.
Tôi sống ở Berlin đã hơn một phần tư thế kỷ, tôi viết về Berlin thoải mái tự tin hơn là viết về Sài gòn bây giờ. Sài gòn của tôi là Sài gòn xưa cũ từ những năm 70 – 80. Viết về Sài gòn mới với nhịp sống mới, con người mới tôi phải vận dụng trí tưởng tượng nhiều hơn là viết thật. Bởi vậy mà sự lựa chọn của tôi tương đối đơn giản: tôi tránh xa điểm yếu của mình, để dành sân chơi đó cho những đồng nghiệp có khả năng hơn.
Còn sự lựa chọn của bạn? Bạn muốn đọc một câu truyện xa lạ được viết chân thật hay bạn muốn đọc một câu truyện quen thuộc viết bằng sự tưởng tượng? Dĩ nhiên mỗi thứ đều có cái hay, cái hấp dẫn của nó. Tùy vào thói quen đọc và khả năng tiếp cận cái mới của mỗi người thôi.
Tôi thử trích một đoạn trong phần tâm sự của Nils – một nhân vật hoàn toàn xa lạ với độc giả Việt Nam:
“Tôi bán căn nhà màu tím của Moni, rời khỏi Berlin. Đi biền biệt. Đi như chạy trốn. Một năm, ba năm, năm năm, mười năm… Paris, Boston, Oslo, Kairo… Mười hai năm sau. Tôi về lại Berlin. Trên con đường mưa phùn mờ mịt từ sân bay Tegel về khách sạn ở Tiergarten, tim tôi thắt lại nghẹn ngào. Vẫn những cánh rừng u buồn thăm thẳm. Dòng sông Spree lặng lẽ trôi dài. Mưa tím ngậm ngùi giăng giăng qua những tháp chuông cũ kỹ. Berlin, ôi Berlin. Tôi yêu thành phố này hơn bất cứ nơi nào tôi đã đi qua.”
Bạn có tin không? Bao giờ đọc lại đoạn văn này tôi cũng rơi nước mắt. Đó là đoản khúc tôi viết cho một người khác chủng tộc bằng tình cảm chân thật của mình, không vận dụng kiến thức văn chương, không đào bới tâm lý, chỉ đơn giản lắng nghe nỗi nhớ nhung từ trong sâu lắng cõi lòng. Một người Đức xa thành phố Berlin rồi nhớ thương nó như thế nào thì tôi xa Sài gòn cũng nhớ thương Sài gòn như vậy. Khung cảnh có thể khác biệt, quốc tịch có thể không giống nhau, khí hậu có thể xa lạ, nhưng tình cảm yêu thương nhớ nhung của con người đều giống nhau cả. Nếu tôi viết đoạn văn trên cho một nhân vật người Việt cho một tác phẩm “thân quen”, chắc cảm nhận của bạn sẽ khác đi, những điều gần gũi hơn sẽ khơi dậy cảm xúc thân thương trong lòng bạn:
“Tôi bán căn nhà có giàn bông giấy tím của mẹ tôi, rời khỏi Sài gòn. Đi biền biệt. Đi không hy vọng ngày trở về. Một năm, ba năm, năm năm, mười năm… Paris, Boston, Oslo, Kairo… Hai mươi lăm năm sau. Tôi tìm về lại chốn xưa. Trên con đường mưa buông mờ mịt từ sân bay về khách sạn, tim tôi thắt lại nghẹn ngào. Vẫn còn đó những hàng me xanh già cỗi u buồn. Vẫn còn đây dòng kinh nước đen lặng lẽ trôi dài. Mưa tím ngậm ngùi trĩu nặng trên những tấm bạt vỉa hè giăng giăng. Sài gòn của tôi, Sài gòn ơi. Tôi yêu thành phố nuôi dưỡng quãng đời thơ ấu của mình hơn bất cứ nơi nào tôi đã đi qua.”
Thật vậy, tôi yêu Sài gòn hơn bất cứ nơi nào tôi đã đi qua.

Bạn hỏi tôi, Phân tâm học có ảnh hưởng như thế nào trong văn chương.
Bạn thân ơi. Câu hỏi lớn quá, tôi không đủ trình độ để trả lời. Cha đẻ của Phân tâm học mà còn không thành công trên lĩnh vực phê bình văn học khi áp dụng khuynh hướng Phê bình Phân tâm học cho văn chương. Những hiểu biết về Phân tâm học của Freud trên văn đàn Việt Nam vẫn còn đầy nhầm lẫn. Làm sao tôi với mớ kiến thức lèo tèo của mình, với một cuốn tiểu thuyết đứng khép nép bên lề văn chương dám đưa ra nhận định chung. Về vấn đề này chị Thụy Khuê có viết một bài rất tường tận, rất bổ ích:
“Phê bình phân tâm học của Freud, thực ra, chỉ là một khuynh hướng rất nhỏ trong phê bình văn học, nay đã lỗi thời, nhưng vì tên tuổi của Freud và vì hai chữ phân tâm, nó đã được một số tác giả khuyếch trương lên. Hiện tượng này không chỉ xẩy ra ở Việt Nam, mà cả ở Pháp. Sự sai lầm này đã thâm nhập vào Việt Nam từ thập niên 1940: Không ít tác giả đã nói tới phân tâm học và sử dụng trong phê bình, như trường hợp Nguyễn Văn Hanh, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa… Tình trạng này kéo dài và trở nên rất thịnh hành trong giai đoạn văn học miền Nam (1954-1975).”
http://thuykhue.free.fr/PBVH/Chuong04-PheBinhPhanTam.html
Đủ sức đọc hết bài viết của chị Thụy Khuê, hiểu được một nửa các loại phân tâm khác đối với tôi là chuyện vất vả lắm. Tôi nói thật với bạn thôi, tôi viết văn trong khả năng và trình độ hạn hẹp của mình và tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà văn Việt Nam không biết Phân tâm học là gì, nhưng bằng năng khiếu thiên bẩm, bằng cảm xúc tinh tế họ vẫn thành công khi tạo dựng nhân vật, đào sâu tâm lý nhân vật. Tôi không có năng khiếu thiên bẩm, lại thuộc loại người không tinh tế. Tôi không được đào tạo kiến thức văn chương – triết học – xã hội học đầy đủ như các nhà văn Đức hay Nhật Bản… Tôi dốt văn từ nhỏ, luôn bị thầy cô giáo ở trường cho điểm xấu. Tôi thi văn tốt nghiệp cấp 2 bị điểm 3, thi văn tốt nghiệp cấp 3 bị điểm 2. Ở tuổi này, muốn viết được một tác phẩm tử tế cho ra dáng dấp một tác phẩm văn chương, tôi phải cố học. Học ngày học đêm. Học đổ mồ hôi đổ nước mắt. Nhiều nhà văn tuyên bố họ viết cuốn tiểu thuyết chỉ hết hai – ba tháng, thậm chí có người chỉ cần vài chục ngày. Tôi gạt mồ hôi trán ba lần, thở dài thườn thượt bốn tiếng. Ông thần ơi! Viết gì dễ vậy. Viết gì giỏi vậy. Viết gì tài thánh vậy.Viết gì như siêu nhân vậy. Tôi chỉ cần viết được một phần mười những thứ tôi phải đọc là may phước lắm rồi.
Năm, sáu năm tự mày mò học triết, tự đánh vật với một đống ngôn từ, kiến thức triết học của tôi cũng ví như hạt cát trong sa mạc triết mênh mông. Với một hạt cát nhỏ xíu thảm hại như vậy tôi vẫn quyết tâm xây dựng cho được nhân vật kỳ vĩ của Bờ Bên Kia và theo đến tận cùng bản ngã của nhân vật.
Nhân vật đó là Moni.
“Moni là một người đàn bà cô độc, sắc sảo và kỳ dị.”
Một tác giả có lương tâm sẽ không bao giờ đưa ra một lời nhận định khơi khơi như vậy và bắt người đọc phải tin như vậy. Moni không chỉ kỳ dị, bà ấy còn là kẻ mang mối thâm thù đàn ông sau cuộc hôn nhân tan vỡ, bà ấy còn là giáo sư tiến sĩ phân tâm học, bác sĩ trưởng khoa bệnh viện tâm thần Berlin. Tất cả lời nói, hành động, cách sống và cả vùng không gian điên loạn hận thù bao quanh Moni phải nói lên được tính cách, nỗi lòng và học vị của bà ấy trong câu truyện. Vì Moni mà tôi lao đầu vào học triết, vì Moni mà tôi tập quan sát cuộc sống bình tĩnh lặng lẽ hơn, vì Moni mà tôi nhìn tất cả những thứ có màu tím bằng cảm nhận khác thường. Và những nơi Moni xuất hiện tôi đều dành cho bà ấy một giọng kể mê muội trầm tư, khắc khoải tuyệt vọng. Vùng không gian bao quanh Moni cũng vây phủ cảm xúc mông lung hư ảo chìm đắm trong một mối hận thù, một tội lỗi bí mật. Thứ phân tâm học tôi cài đặt vào tác phẩm cũng chỉ là công cụ để hỗ trợ việc tạo dựng hình ảnh Moni. Đó là thủ thuật văn chương, hoàn toàn không là kiến thức triết học hoàn chỉnh (tôi có kịp học hoàn chỉnh đâu). Nhưng chuyện này bình thường thôi.
Nhà văn không là nhân vật. Nhưng nhà văn phải vận dụng tối đa khả năng và kiến thức của mình để tạo ra nhân vật mang đủ hình hài và tính cách đặc trưng. Nhà văn có thể không biết hát, hay hát sai nhịp be bét, nhưng khi viết về một cô ca sĩ họ phải biết cách miêu tả nhân vật cùng thế giới showbiz vây quanh nhân vật để người đọc thấy được dáng vóc – tính cách – tâm lý – giọng ca – cuộc sống một cô ca sĩ. Không thể đầu tư cho cô ca sĩ cũng giống như đầu tư cho cô giáo dạy thể dục hay bà bộ trưởng y tế.
Người xưa có câu “họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, lý lẽ này chỉ dành cho người bình thường. Là nhà văn, khi miêu tả một con hổ bạn nhất thiết phải cho người đọc thấy được sức mạnh xương cốt của nó, viết về một con người bạn phải trình diễn cho độc giả thấy được cái lương tâm hay dã tâm của người đó. Gọi là thủ thuật văn chương.

Bởi vậy mà khi bạn hỏi về những yếu tố thực hư xen lẫn trong truyện, tôi cũng vẫn trả lời bạn ngay thẳng như vừa nói.
Yếu tố thực hư xen lẫn ở đây cũng là thủ thuật. Tôi cần nó để tạo dựng những nhân vật mang yếu tố tâm lý khác thường. Tôi cần nó để dẫn dắt bạn đọc vào vùng quá khứ tăm tối tật nguyền của cái gọi là con người. Tôi cần nó để lấp kín lỗ hổng kiến thức khi phải đối diện với những vấn đề vượt quá khả năng và trình độ của mình. Không chỉ Moni là nhân vật gây khó khăn cho tác giả. Doktor Nguyen cũng là một thử thách.
Tôi đặt Nguyen trên đường đi và tự bắt mình phải vượt qua. Viết về ngành pháp y với những thao tác y khoa và thủ tục pháp lý cụ thể đã rất khó, viết về một nhân vật đầy đủ cá tính, bản lãnh cùng một ý chí đanh thép “vì công lý” còn khó hơn.
Doktor Nguyen không chỉ là một bác sĩ pháp y dạn dày kinh nghiệm trong những vụ án mạng, cô ấy còn là chuyên viên khám nghiệm các nghi án hiếp dâm, đối tượng phạm tội – kẻ thù của cô – là bọn đàn ông. Hiếm có người phụ nữ Việt Nam nào đủ bản lãnh trả thù đàn ông kiểu đó. Hiếm có người Việt Nam nào dám chọn con đường bạo hành quá khứ kiểu tự mổ xẻ vết thương như vậy. Tôi dùng chữ “tự mổ xẻ vết thương” để nhấn mạnh một lần nữa bản lĩnh của doktor Nguyen.
“Chỗ đau khổ nhất của người loạn thần kinh là họ nhớ lại” - Breuer và Freud
Một người bị ám ảnh bởi bạo lực đàn ông như Nguyen, bị chứng bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương* do ở tuổi lên năm phải chứng kiến cảnh mẹ mình bị hải tặc cưỡng hiếp, khi trực tiếp khám nghiệm thân thể phụ nữ trong những vụ án mạng hiếp dâm, cô ấy đều phải đối diện trực tiếp với nỗi đau khổ tột cùng trong quá khứ. Khi chọn đó là công việc để trả thù (hay là vì công lý) Nguyen phải trả giá rất đắt bằng những khủng hoảng tâm lý.
Để viết được nhân vật Nguyen, tôi phải vượt qua nỗi sợ của chính mình: sợ ma, sợ thấy xác chết. Bạn đừng nghĩ là đơn giản. Chỉ nhìn tấm hình xác chết mặt xanh lè hay xung huyết tím tái là tôi khiếp vía rụng rời tay chân rồi. Một tháng sau, một năm sau vẫn còn sợ. Bây giờ viết thư cho bạn mà vẫn thấy ám ảnh (thôi, kể thêm ra đây rồi không dám đi xuống nhà bếp). Tôi còn phải đọc một đống tài liệu y khoa, phải xem những đoạn video giải phẫu tử thi thật rùng rợn, phải lọ mọ ra văn phòng bộ nội vụ liên bang (Bundesministerium des Innern) xin sách về khảo cứu.**
Một thử thách khác của tôi là Nils, kẻ bị quá khứ ám ảnh và đày đọa nhiều nhất. Tâm lý và sinh lý của Nils thất thường biến đổi liên tục, hiện tại quá khứ luôn đảo lộn, gã thường xuyên rơi vào trạng thái vô thức. Tệ hại hơn nữa, Nils bắt đầu có dấu hiệu bệnh tâm thần phân liệt khi tiếng nói ảo xuất hiện tìm cách điều khiển hành động của Nils. Nhưng Nils lại là kẻ “có ý thức” mãnh liệt nhất trong ba nhân vật. Bằng một cố gắng phi thường, Nils từng bước lần tìm về quá khứ, tự giải thoát mình khỏi những ám ảnh tội lỗi và nỗi oán hận.
Khi viết về Nils, tôi hay bị phân tâm, trong con người đàn ông mang một phần đàn bà và một phần trẻ con đó, phần nào là Robert, phần nào là Nils, phần nào là Thomas, phần nào thật, phần nào hư, phần nào động, phần nào tĩnh, phần nào rồi sẽ bị triệt tiêu, phần nào chiến thắng và tồn tại. Nils phân tâm mãnh liệt. Anh ta làm tôi mệt mỏi phát điên, sức khỏe tàn tận. Bởi vậy mà tên đặt cho các chương của Nils đều là những “phần” rời rạc mông lung độc diệt.
Như Moni, như doktor Nguyen, Nils là một nhân vật khác thường. Tôi hoàn toàn không muốn bạn đọc nhìn Nils như một anh chàng đồng tính luyến ái trong tiệm cắt tóc nào đó, tưởng tượng ra Nils như một gã õng ẹo nhả nhớt mặt mày tô son trát phấn giống các kiểu giả gái bôi bác (phỉ báng) đang tràn ngập sân khấu Việt Nam. Không. Nils là một người đàn ông có ngoại hình đẹp trai, ấm áp và cực kỳ quyến rũ phụ nữ. Là do tôi không chủ đích khai thác khía cạnh đồng tính luyến ái của Nils mà tập trung viết về giấc mơ và ám ảnh quá khứ của Nils theo triết lý của Henri Bergson. Và tôi luôn thận trọng cho Nils tránh xa Freud.
Bergson lý giải giấc mơ bằng cách phân tích hình ảnh, Freud đặt nặng – quá nặng- vấn đề ám ảnh tình dục và sự dồn nén libido gây ra những rối loạn tâm thần. Điều này có thể đúng với Moni, có thể đem ra lý giải tính cách của doktor Nguyen nhưng khi đặt vào Nils tôi thấy nó lệch hướng và rất nhẫn tâm. Quá khứ bi thảm, ám ảnh tội lỗi, những biến cố bất thường đã làm biến dạng tính dục của Nils là một phần. Ý thức – xin nhấn mạnh: ý thức – chạy trốn tội lỗi loạn luân, phủ nhận nghi án giết mẹ ruột và mẹ nuôi, bằng cách thay đổi tính dục là một phần rất quan trọng khác.
“Tôi trở về đây để bắt đầu lại cuộc đời đổ vỡ của mình. Một thằng người không quá khứ, không hiện tại, không tương lai và không đàn bà. Tôi căm ghét bọn đàn bà và sợ hãi bộ ngực của họ. Hai khối thịt đó là hình ảnh ghê tởm của cái chết.”
Xin lưu ý, đây là một ý thức quyết liệt trong vấn đề tính dục, hoàn toàn trái ngược với khái niệm libido và sự thúc đẩy tính dục (pulsion sexuelle) trong vô thức của Freud.
Cái bóng của Freud quá lớn. Một nhà văn Việt Nam chỉ cần dựa một chút vào Freud là lòe được thiên hạ. Nhưng tôi không nỡ đối xử với Nils như vậy. Quan điểm đạo đức của Freud nhiều chỗ cũ lắm. “Đồng tính luyến ái là dấu hiệu suy thoái thần kinh”. Nghe tàn nhẫn làm sao. Nils đồng tính luyến ái thật, suy thoái thần kinh thật (đến độ luôn thử tìm cách giết người) nhưng không thể nhập hai điều đó vào một như một luận đề. Vì yêu mến Nils, vì tôn trọng sự cố gắng mãnh liệt của Nils, tôi ý thức rằng: phải để cho Nils tránh xa Freud. Khi đó Henri Bergson và Pierre Janet là cứu tinh của tôi. Tại sao tôi cần Bergson và Janet để cho Nils tránh xa Freud? Câu trả lời thật buồn: một mình tôi không đủ sức đưa Nils ra khỏi nỗi ám ảnh, không đủ sức bảo vệ Nils trước những áp đặt của Freud. Khả năng triết học của tôi kém lắm, tôi cần người giúp đỡ. Và người giúp đỡ đó chính là Henri Bergson và Pierre Janet.
Có thể bạn nghĩ đơn giản, không lựa ông này thì chọn ông kia. Sự lựa chọn đầy chủ đích làm tôi trằn trọc tổn hao hơi sức một thời gian dài. “Nếu” tôi chọn Freud, kết cuộc dành cho Nils đã hoàn toàn khác hẳn. Nils có tất cả những yếu tố mà Freud cần để khẳng định chắc như đinh đóng cột: anh ta là con bệnh loạn thần kinh hystérie nguy hiểm. Trong vùng áp lực của Freud, Nils sẽ là kẻ giết người bệnh hoạn (giết mẹ ruột, mẹ nuôi và giết luôn bà hàng xóm với con mèo), là thủ phạm của hàng loạt vụ án mạng man rợ ở Nollendorfplatz nhằm vào các cô gái điếm, sẽ bị cảnh sát săn đuổi ráo riết, nạn nhân cuối cùng của Nils sẽ là Vi (doktor Nguyen) – như trong những truyện thriller nặng ký tôi từng đọc qua. Như vậy là, Nils sẽ không bao giờ có cơ hội tìm lại quá khứ để hiểu và tha thứ cho hai người mẹ của mình.
“Cái gì bắt đầu trong tội ác sẽ được củng cố bằng tội ác”- Shakespeare.
Đây là một tính chất quan trọng của văn chương, điện ảnh và kịch nghệ nhằm đẩy tác phẩm lên đỉnh cao. Tôi phải cân nhắc rất lâu, viết về một nhân vật bắt đầu trong tội ác, được củng cố bằng tội ác là một thử thách thật sự vượt qua khỏi khả năng và cảm xúc của tôi. Bởi, viết gì thì viết, tôi không bao giờ đủ sức mô tả tường tận hành vi giết người. Nó ghê tởm lắm. Nó tội lỗi khủng khiếp lắm. Giết người là hủy diệt một tạo vật có linh hồn do Thượng Đế sanh ra, nói chính xác hơn: hủy diệt một linh hồn do Thượng Đế tạo ra. Là một tội ác kinh khủng nhất trong tất cả những tội ác. Những nhà văn ăn khách hiện nay như Ethan Cross, Maxime Chattam, Veit Etzold… họ không chỉ viết chuyện giết chóc hàng loạt, cách bạo hành nạn nhân cho đến chết, họ còn mô tả tường tận tỉ mỉ hành động man rợ của kẻ sát nhân hàng trang dài. Họ “tra tấn tinh thần” người đọc theo đúng nghĩa thriller. Tôi không viết được như vậy. May phước cho Nils. Nếu tôi là một nhà văn thriller thứ thiệt như mấy ông kia, Nils sẽ không có một cơ hội để tìm đến “Phần Kết” nhân đạo và giải thoát:
“Bóng dáng mẹ tôi bảng lảng hiện ra trong bóng tối miền ký ức. Bên khung cửa sổ sụt sùi mưa, mẹ cúi đầu nhìn xuống hai bàn tay nứt nẻ: “Thomas, mẹ vừa bị mất việc ở cửa hiệu giặt ủi. Nếu tháng sau tìm ra việc làm mới, mẹ sẽ mua cho con một con chó.” Nước mắt tôi chảy ràn rụa trên má, nhưng tôi không còn thiết tha gì đến chuyện gạt nước mắt. Tôi đứng lặng như vậy một lúc, cố níu giữ hình ảnh mong manh của mẹ.”
Khi Nils thì thầm những lời này, nước mắt tôi cũng chảy ràn rụa trên má. Một kết cuộc dịu dàng biết bao nhiêu sau hàng chục năm ôm giữ niềm oán hận. Cuối cùng rồi Nils cũng nhớ lại được tên mẹ mình, tìm lại được một đoạn ký ức vô cùng quan trọng về người mẹ mà do những chấn động tâm lý nó đã đột ngột biến mất. Một người mẹ đã rất yêu thương anh.
Đành rằng thriller là một thử thách lớn trên con đường văn chương, nhưng tôi thà chấp nhận thất bại trên lĩnh vực “tra tấn thần kinh” người đọc hơn là từ bỏ quan điểm đạo đức của mình. Không, Nils sẽ không bao giờ là kẻ giết mẹ ruột từ những “khát vọng dục tính của thời kỳ dục tính đầu tiên”, kẻ giết mẹ nuôi xuất phát từ “cảm tưởng phạm tội tiềm thức”. Nils không là một con bệnh tâm thần mang mặc cảm Oepide hay một tội phạm bị dồn nén libido để tiếp tục gây thêm hàng loạt án mạng như trong tập bệnh án của Freud.
Nils là một kẻ ôm vết thương lòng chạy trốn quá khứ nhưng rồi anh ta quay ngược lại săn lùng quá khứ, để tự điều trị vết thương lòng của mình.
Quá khứ.
Tôi hay nói về quá khứ.
Xuyên suốt câu truyện là vấn đề quá khứ. Nó được lặp đi lặp lại như một điệp khúc miền ám ảnh. Nhưng quá khứ là gì? Tôi gọi “quá khứ là phần hiện tại bị bỏ quên”. Tôi thích cái chữ bỏ quên này lắm, thoạt nghe qua có vẻ gì phũ phàng ngược đãi, trên thực tế nó diễn ra tự nhiên theo một hành trình sống tiến về phía trước. Bergson cũng nói tương tự rằng, hiện tại của ta rơi vào quá khứ khi ta thôi không gán cho nó một quan hệ hiện thời nữa.
Như bức thư này, khi tôi đang viết cho bạn, nó là hiện tại. Khi tôi gửi cho bạn, và quên nó đi, thì nó đã thuộc về quá khứ. Vào một thời điểm nào đó, bạn mở bức thư này ra đọc, trong khoảnh khắc đó, nó sẽ hiện diện ngay trong hiện tại của bạn. Và bạn trả lời thư tôi, gửi ngược nó cho tôi. Nếu tôi quên không mở thư ra, bức thư vẫn nằm im trong vùng quá khứ – một quá khứ có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều năm hay vĩnh viễn… Nếu tôi mở thư, đọc thư bạn, bức thư này lập tức quay về lại với hiện tại của tôi ngay trong giây phút tôi đọc nó. Hay nếu trong một thời khắc nào tôi chợt nhớ đến bạn, nội dung bức thư cũng lập tức tìm ra cơ hội để trở về. Ở ví dụ này, hiện tại là một thời điểm cực kỳ mập mờ, không rõ nó xảy ra lúc nào và tồn tại được bao lâu. Một điều chắc chắn: không có thứ hiện tại nào là vĩnh viễn. Nhưng quá khứ thì rõ ràng cụ thể, bền vững và trường tồn. Nó không ở dạng tĩnh như ta nghĩ, nó luôn chuyển động, luôn tìm cách tràn về phía trước xâm nhập hiện tại, đòi lại phần giá trị gì đã mất. Một quá khứ xa xăm nhất cũng có khả năng liên kết với hiện tại, chiếm hữu hiện tại, tạo thành một vùng ký ức bất gián đoạn – như chưa từng xa nhau:
… Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều.
Như từng cơn nước rộng xóa một ngày đìu hiu…
“Một ngày đìu hiu” là khoảng thời gian cụ thể mà ở đó quá khứ quay về xóa mất hiện tại.
Trở lại với Bờ Bên Kia, tôi trích một đoạn viết về quá khứ (hai câu đầu là mượn của Bergson):
“Không ai có thể duy trì quá khứ để đưa nó quay nguợc trở về hiện tại. Chỉ có quá khứ tự duy trì chính nó, một cách tự động, và mang một quyền lực ghê gớm. Nó không ngừng tìm cách quay về và lén lút nối kết với hiện tại, như những kẻ tội phạm và đồng lõa. Nó không ngừng tái hiện trong những giấc mơ tối tăm u khốc. Cho dù anh sợ hãi và chối bỏ nó, thì nó vẫn ngang ngược trở về từ trong vùng tối đen của vô thức.”
Đó là Nils, là Moni, là doktor Nguyen, là mẹ của Nguyen… những kẻ không bao giờ chối bỏ được quá khứ của mình. Không ai có thể chối bỏ được quá khứ của mình. Không ai có thể tiêu hủy vết thương lòng bằng cách giam hãm quá khứ trong cũi sắt. Bằng những nỗ lực phi thường, mỗi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đều phải tìm cách vượt qua số phận nghiệt ngã, nhìn nhận chân thật quá khứ, để có được phút giây tha thứ cho chính mình và tha thứ cho nhau.
“Trong phút giây này con yêu mẹ, khi mẹ nằm trên giường bệnh, khi mẹ mỉm cười với con.”
“Trong phút giây này?”
“Là hiện tại.”
Trong phút giây này, quá khứ đã bị hiện tại đẩy lùi về phía sau, chỉ còn lại tình yêu.
Bạn thân mến.
Tôi viết ra những điều này để chia sẻ với bạn, vì tôi không bao giờ tin rằng: người ta có thể xóa bỏ hận thù bằng cách ngu xuẩn nhất là chôn vùi quá khứ, hủy hoại quá khứ, thậm chí là bóp méo quá khứ. Những hành động phản triết học này không thể giải quyết được vấn đề, nó kéo dài hàng chục năm, qua bao thế hệ, cho đến khi những người trong cuộc lần lượt chết đi. Hận thù vẫn chưa được hóa giải.
Hận thù sẽ không bao giờ được hóa giải.

Trở về với những câu hỏi. Bạn hỏi tôi về kết cấu truyện và ý tưởng chính của truyện.
Thật khó xác định được điều này bởi vì tôi không quan tâm nhiều đến cốt truyện và kết cấu truyện. Tôi đặt ra ba hòn đá trên đường rồi chỉ chăm chú vào chuyện vượt qua ba hòn đá đó. Ba nhân vật chính trong câu truyện có ba nghề nghiệp ba tính cách hoàn toàn khác với tôi. Tạo dựng được những con người như vậy là thử thách rất thú vị. Vượt qua được thử thách này, cái gì xảy ra ở cuối con đường tôi cũng không xác định trước. Người đọc Việt có thể thấy điều này nhảm nhí. Viết mà không nung nấu trước một nội dung, không nghiền ngẫm những tình huống, không tạo dựng kết cấu câu truyện là cách làm việc không hợp lý, thậm chí là tào lao bê bối. Nhưng, kỹ thuật là không kỹ thuật. Chiêu thức là vô chiêu thức. Kiếm ý như nước chảy mây trôi – Độc cô cầu bại.
Bỏ qua loại kiếm hiệp ám ảnh mê hồn và thứ triết học đông phương kỳ ảo này, kiên quyết trở về với bờ bên kia! Nếu tôi chú trọng vào nội dung, muốn viết một câu truyện gần gũi với độc giả Việt Nam, tôi đã chọn người mẹ doktor Nguyen làm nhân vật chính. Viết về một nhân vật như vậy không là một hóa thân quá nhọc nhằn. Người đàn bà đó thuộc về thế hệ của tôi – thế hệ thứ nhất đến nước Đức có chung những khó khăn về hội nhập, có cùng một ký ức về quê hương, có như nhau một tập quán văn hóa (nên nói thêm, doktor Nguyen thuộc thế hệ con cháu của tôi, thế hệ thứ hai sanh ra hay lớn lên ở Đức, tụi nó mang tính cách hoàn toàn khác). Những nhân vật như mẹ của Nguyen ngày nay trên văn đàn không còn mới mẻ vì đã được các tay bút đàn anh đàn chị của tôi khai thác rất thành công trong những năm 80-90. Tôi không quay lại đặt chân mình lên những dấu chân khổng lồ có sẵn.
Nội dung truyện, ý tưởng truyện diễn tiến theo quá trình xây dựng nhân vật. Tôi cứ tiến về phía trước rồi tự nhiên nghĩ ra cách đối phó với tình huống. “Con người thì sống, chiêu thức thì chết. Bất kỳ chiêu thức nào dù cao thâm đến đâu cũng có sơ hở.” – Độc cô cửu kiếm. Tôi cũng có sơ hở (nhiều lắm). Bạn cứ tấn công vào đó, tôi bỏ chạy ngay đây.

Berlin, những ngày cuối năm 2017
Hương

TB:
* Người mắc bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương (névrose traumatique) là người từng bị một chấn động tâm lý hay thể xác dữ dội trong quá khứ. Ở trạng thái ý thức họ luôn dẹp bỏ tất cả kỷ niệm về tai nạn xảy ra với họ, họ cố gắng quên đi không nghĩ đến nó nữa, họ kịch liệt chối bỏ quá khứ. Nhưng trong vô thức, giấc mơ thường dẫn họ quay về với thời điểm bị nạn rồi khi tỉnh dậy họ rất hoang mang sợ hãi – theo Freud.
** Nhân viên bộ nội vụ biếu không tôi một số đầu sách: Kriminalitätsphänomene im Langzeitvergleich am Beispiel einer deutschen Großstadt, Straftatbestand Menschenhandel, Neue Allianzen gegen Kriminalität und Gewalt… mà không hề bận tâm đến việc tôi viết gì, có chống đối hay phỉ báng nhà nước hay không. Thậm chí chỗ ở của tôi họ cũng không thèm hỏi. Tài liệu của họ in ra là để cho mọi người dân có quyền nghiên cứu và tìm hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét