Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Thể loại mystery và Hồn Khói Mù



Tôi đăng trước ở đây phần mở đầu cho cuốn tiểu thuyết mang tên: "Hồn Khói Mù". Đăng trước là để tự ép mình viết tiếp, nếu không thì tôi biến mất khỏi cõi văn chương này luôn. Vì lười biếng, vì quá mệt mỏi với công việc thường ngày mà đầu óc và trí tưởng tượng của tôi cứ khô dần đi. Lúc này dành ra được thời gian viết, tìm được hứng thú sáng tác cũng khó như lên tiên giới ăn trộm đào.
Với tiểu thuyết "Hồn Khói Mù" tôi quyết định chọn thể loại mystery để thử nghiệm. Thoạt đầu tôi định chọn science fiction, nhưng nghĩ cho cùng, tôi không thích science fiction, rất hiếm khi xem phim hay đọc sách thể loại này. Phải thật thích thì mới viết được, chứ bằng, cứ đưa ra chỉ tiêu quyết tâm này nọ sáo rỗng lắm. Hơn nữa, science fiction hợp với tác giả trẻ hơn vì trí tưởng tượng của họ mềm dẻo hướng về tương lai, ít bị lệ thuộc vào yếu tố chính trị, địa lý hay lịch sử.
Mystery có vẻ gần với thú đọc sách và vốn liếng văn chương của tôi. Chọn mystery, tôi không chỉ có một sự hưng phấn để đi tới cuối cuộc hành trình mà còn có nhiều hy vọng thành hình một cuốn tiểu thuyết mới lạ.

Vâng. Mystery là một thể loại rất mới, rất lạ.
Nó không chỉ mới lạ với độc giả Việt Nam mà còn mới lạ với cả độc giả Âu - Mỹ thế hệ lớn tuổi. Tôi làm quen với nó từ hơn năm năm nay nhờ vào những cuốn tiểu thuyết trên kệ sách của con tôi, dù trước đó rất lâu tôi đã biết đến tên tuổi Dan Brown. Mystery thực sự lôi cuốn người cầm viết vì biên độ mở vô tận của nó.
Trên thực tế, mystery đã xuất hiện từ cuối thập niên 90 trong các bộ phim truyền hình Mỹ (như The X-Files), đến năm 2000 được Dan Brown đưa vào văn chương (các tác phẩm như Illuminati, Sakrileg) đã rất thành công.
Khác với science fiction, một thể loại thường đẩy trí tưởng tượng hướng về tương lai, mystery có khuynh hướng đưa trí tưởng tượng lùi lại một vùng quá khứ ảm đạm. Tuy nhiên trong thực tế sáng tác, mystery vẫn là thể loại không đòi hỏi bất kỳ giới hạn tưởng tượng nào cũng như không có bất kỳ ràng buộc khuôn mẫu nào. Nó có thể pha trộn ít hay nhiều các thuật ngữ trinh thám (krimi), kỳ ảo (fantasy), khoa học viễn tưởng (science fiction), giả sử (hay lịch sử), gay cấn (thriller) và đặc biệt là kinh dị (horror). Trong nhà sách châu Âu, mystery thường được xếp vào loại thriller - horror.
Văn chương mystery đưa người đọc ra khỏi vùng hiện thực, đẩy họ vào một thế giới giả tạo, vô chính phủ, phi luật pháp, hoàn toàn mơ hồ... mà bí ẩn của câu truyện có cội nguồn từ một biến cố lịch sử hay từ một quá khứ xa xưa nào đó (trong tiền sử).
Năm 2013, tôi thử viết thể loại mystery với truyện ngắn Kẻ Săn Chuột (sau này đổi tên là Thành Phố Kín). Cố gắng của tôi như viên đá nhỏ rơi xuống lòng sông rộng, không để lại một tiếng vang, một cảm xúc nào trong lòng độc giả. Có thể vấn đề xã hội tôi đặt ra trong câu chuyện quá rùng rợn nằm ngoài cảm nhận thô sơ của người đọc Việt?
Tiếp tục thử nghiệm mystery trên văn đàn Việt Nam - sau một thất bại có sẵn - không là một sự lựa chọn khôn ngoan. Đa phần độc giả Việt Nam chưa biết đọc thriller nên càng không thể đón nhận thể loại mystery. Giới phê bình văn học trong nước chắc cũng chưa bao giờ đọc qua một tác phẩm mystery, thậm chí cũng không hề biết mystery là gì. Khả năng cảm nhận văn chương của họ không chỉ bị buộc chặt vào cách kể chuyện có tình tiết hợp lý kiểu truyền thống, trí tưởng tượng của họ cũng bị trói chặt vào những yếu tố địa lý và lịch sử hiển nhiên. Trong tình hình như vậy, một tác phẩm mystery ở Việt Nam có nguy cơ gây nhiều ngộ nhận hơn là được chấp nhận.
Nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục, vì một nền văn học đa dạng cho Việt Nam.

°



1 nhận xét: