Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Ông Hảo ông Hen

Sáng nay, mắt nhắm mắt mở trước giờ đi làm, mình đọc tin ông Hảo chủ trì một cái "seminar" về ông Nietzsche và đặt ông Nietzsche lên ngang tầm với ông Hen thông qua một câu vô cùng tối nghĩa được lấy trên Việt Nam thư quán:
“Nietzsche đã chứng tỏ, cùng với (chỉ cùng với) Henn Bergson, một hệ thống triết học có thể có của thời đại chúng ta”
Bỏ qua chuyện làm người Việt Nam phải hiểu câu này ra sao, bỏ qua chuyện nguyên một cái seminar tầm cỡ đại học (Hà Nội) đi mượn đỡ một câu trên VN thư quán làm bàn đạp cho lời giới thiệu, cả ngày hôm nay đi làm mình cứ thắc mắc: "Ông Henn là ông nào?" Chẳng lẽ có một ông tầm cỡ ngang ông Nietzsche mà có kẻ mê Triết bỏ công học Triết ròng rã 5 năm nay vẫn chưa nghe qua tên. Hu hu.
Ngày hôm nay đi làm căng thẳng. Công ty có nhiều chuyện phải giải quyết, Chef lại kiếm chuyện cãi nhau với mình. Tay này điên, ngày nào không kiếm được người cãi là hắn buồn chán. Thường mình né hắn, hắn cũng né mình, nhưng hôm nay xui, có quá nhiều việc phải giải quyết chung.
Buổi tối đi làm về vẫn còn thấy bực chuyện "cây muốn lặng mà gió cứ đùng đùng", mở máy ra, vô tình lại thấy cái tên ông Hảo và ông Hen. Hội thảo thì nói hội thảo, gọi seminar làm mình... thêm bực. Làm như tiếng Việt nghèo mạt rệp!
http://vanviet.info/thu-ban-doc/seminar-tu-tuong-triet-hoc-gi-tri-cua-f-nietzsche-trong-tc-pham-bn-kia-thien-c/
Chuyện này thật ra chẳng phải là sản phẩm các bác Văn Việt và các bác Diễn Đàn Paris(diendan.org). Thư mời "seminar" này là của nhà xuất bản Tri Thức:
http://www.nxbtrithuc.com.vn/Su-Kien/2654736/296/SEMINAR-TU-TUONG-TRIET-HOC-GIA-TRI-CUA-F-NIETZSCHE-TRONG-TAC-PHAM-BEN-KIA-THIEN-AC.html
Không biết mấy ông Tri Trí Thức Hà Nội này muốn nói đến ông Henn Bergson nào? Mình chỉ biết một ông Bergson. Henri Bergson.
Tư tưởng triết học của ông Henri Bergson và ông Pierre Janet đã tạo nên tác phẩm thriller Bờ Bên Kia của mình. Nhờ Bergson mà mình có nguồn cảm hứng vô tận về ba khái niệm: Hiện tại - Quá khứ - Ký ức (Denken und schöpferisches Werden - 1939), nhờ Bergson mà mình hiểu hơn về khái niệm "hình ảnh" trong giấc mơ (Le Rêve - 1901. Die seelische Energie - 1919) . Trước khi đọc Bergson, mình cứ tưởng Sigmund Freud (cùng thời với Bergson) là người đặt nền tảng đầu tiên cho việc nghiên cứu giấc mơ của người bị rối loạn tâm thần. Nhưng những điều Bergson diễn tả về "hình ảnh kỷ niệm" đã làm cho mình suy nghĩ khác đi. Giấc mơ của Bergson thật là kỳ thú, huyền ảo và ma quái. Nhiều đoạn trong giấc mơ Bờ Bên Kia mình mượn ý của Bergson, mượn rất nhiều có lúc đến 70 - 90 phần trăm. Nhưng mình nghĩ, chuyện này không cần xin lỗi. Khi viết tiểu thuyết mình thả hồn trong mớ kiến thức mình cảm nhận được tổng hợp được, rồi viết ra tư tưởng hành động của nhân vật trong hoàn cảnh đặc thù của câu truyện. Tiểu thuyết chẳng phải là thứ chú giải lằng nhằng một đống sách và tài liệu khoa học.
Không chỉ tay Chef người Đức của mình dở điên hay cãi nhau. Mấy ông triết gia cũng rất hay cãi nhau (gọi khéo là tranh luận) và phê phán chỉ trích.
Ông Sartre phê phán ông Bergson tới bến: "chỉ là biện chứng suông, không đưa lại một giải pháp khả trợ nào cho vấn đề hình ảnh..." Ông Janet chê ông Bergson là đưa ra hình ảnh ký ức mà không đếm xỉa gì đến tính cách xã hội của ký ức.
Nhưng ông Bergson không chỉ nói về hình ảnh, ông còn đề cao việc biến trí tuệ thành công cụ của khoa học và dùng triết học để giải thích các hiện tượng trong thiên nhiên. Vào đầu thế kỷ 20, ông Bergson là một trong người đưa ra lý lẽ vững chắc nhất để công kích thuyết tiến hóa của Darwin. Thuyết tiến hóa của Darwin học trò trung học nào cũng biết, cũng có thể đọc ra vanh vách: cái gì thích nghi với môi trường thì sống sót cái không thích nghi thì bị đào thải. Bergson viết thuyết tiến hóa sáng tạo (Schöpferische Entwicklung - 1907), đặt ra vấn đề về... cỏ dại. Nếu theo thuyết Darwin, cuộc tiến hóa lẽ ra phải chấm dứt khi cỏ dại xuất hiện vì chúng là hình thức thích nghi nhất và có khả năng lan tràn mãnh liệt nhất, như vậy, không có lý do gì để các dạng thức cao hơn của sự sống xuất hiện. Con người là một sinh vật phát triển cao độ nhất và có một khả năng thích nghi cầu kỳ xa xỉ, lẽ ra sẽ không thể tồn tại cho đến ngày hôm nay (Nguyễn Ước - Các chủ đề triết học). Lý luận thật là hay! Nếu năm lớp 12 mình đọc Bergson thì đã... thi rớt đại học.
Nhưng may quá. Mình chỉ đọc Bergson khi bắt đầu viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết Bờ Bên Kia mang ơn ông Bergson rất nhiều, và còn mang ơn ông Sartre, ông Freud và ông Janet.
"Tâm lý học xử trí" của Pierre Janet là điều kỳ diệu mà mình cảm nhận được khi mò mẫm đi trong bóng tối của miền Tâm lý học, nó như ánh đèn bất chợt sáng lên đâu đó. Mình nói "bất chợt", đúng vậy - chỉ bất chợt thôi, ánh đèn đó không đủ soi sáng kiến thức (dưới mái trường XHCN) vốn dĩ đã tăm tối của mình, nhưng nó làm mình ngỡ ngàng thức tỉnh trong chốc lát.
Đồng hồ chỉ mười giờ đêm rồi, mình phải đi ngủ để ngày mai còn chiến đấu với công việc. Cái seminar cùng với ông Hen ở Hà Nội rồi sẽ kết thúc thành công, đại thành công, nhưng mình vẫn không biết, ông Hen của ông Hảo có phải là ông Henri của... Hương không?
Chẳng lẽ lại là lỗi cậu đánh máy? Đánh máy sai một chữ, chuyện thường thôi. Nhưng chẳng lẽ cái thiệp mời mang hàm Giáo Sư gửi đến bàn dân thiên hạ mà cậu đánh máy tưởng viết blog hay viết facebook chơi thôi? Rồi cũng không ai (kể cả giáo sư) liếc mắt kiểm tra lại!
Ừ thì lỗi cậu đánh máy. Nghĩ vậy, ngủ cho ngon.

Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét