Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Nguyễn Viện và trò chơi Rồng Rắn



Với sáu cuốn tiểu thuyết mới in (chui) và một cuốn tiểu thuyết mới nở (ra từ trứng), Nguyễn Viện gây nên một cơn mưa rào trên văn đàn tự do vốn dĩ quá khô hạn. Những người tán dương tinh thần tự do và tự khai sáng của Nguyễn Viện lặng lẽ mỉm cười, những người không ưa giọng văn "gây hấn" của Nguyễn Viện lớn tiếng công kích.
Tôi không là fan của thể loại văn chương gây hấn hay tàn phá, đọc văn của họ Nguyễn thường thấy vất vả và bị tra tấn. Nhưng trong số các nhà văn đương thời, Nguyễn Viện là người tôi đặc biệt nể phục.
Nguyễn Viện làm được nhiều cái mà người khác không làm được. Trước hết phải kể đến sức sáng tác kinh hoàng của vị đại huynh. Mà sáng tác trong điều kiện vô cùng khó khăn: bị đe dọa, bị theo dõi, bị đàn áp, bị cô lập kinh tế... Về VN thăm Nguyễn Viện, tôi mới được biết màn "bị công an kè" ra sao. Nguyễn Viện có cảnh cáo trước, nhưng tôi không tin. Nhà văn chân yếu tay mềm bắt con gà còn không biết bắt, nhà cầm quyền lo gì chuyện họ trói gà chặt hay không chặt.
Một buổi chiều ngồi chơi với Nguyễn Viện, Nguyễn Hòa (VCV), Trần Hồ Thúy Hằng ở cà phê Văn Thánh, chẳng thấy ai phiền nhiễu. Cả đám nói nhảm rất vui và cười toang hoang rất đã. Vậy mà vừa bước chân ra khỏi quán, mẹ con tôi liền bị hai người đàn ông lạ mặt mày bậm trợn kè sát. Hồi đó con gái tôi còn nhỏ, nó cứ nói: "Mẹ, ông này ủi vô con hoài." Tôi không sợ cho tôi, tôi sợ cho con mình. Trời thì mưa và tối, tôi lôi con chạy ra đường lớn, lủi vô quán nước đầu đường nhờ người bán quán kêu giùm taxi. Khi leo lên taxi rồi tôi lại đâm hoảng, rủi tài xế là CA thì sao, hắn chở hai mẹ con đi ào ào làm sao mà nhảy xuống. Tôi cố nhìn khuôn mặt người lái xe trong kính chiếu hậu, chỉ thấy thoáng chiếc bóng đen lấp loáng ánh đèn đường. Con đường từ Văn Thánh về Thủ Đức xa lắm, qua mấy cây cầu mấy thửa ruộng vắng, trời vẫn mưa dập vùi. Tôi tìm cách bắt chuyện với người lái xe, nghe anh kể về những chuyến xe đêm, kể về công việc vất vả mưu sinh. Khi ấy tôi mới từ từ thở ra, may quá, mình gặp người tử tế. Công an chìm chỉ vây quanh Nguyễn Viện. Loại nhát gan và chưa có thành tích như tôi bị "kè" đi một khúc là đòn hù dọa chơi chơi. Tôi kể lại kỷ niệm này để những người có thừa tự do - mà không biết làm gì với tự do của mình - hiểu phần nào hoàn cảnh sáng tác khó khăn của Nguyễn Viện.
Ai bị kè dao lên cổ mà vẫn nghêu ngao hát? Tôi nể phục người đó.
Ai đứng ngoài gào la, tụi bay hát nhảm cái gì, sao không hát về tự do? Tôi thấy họ xa lạ.
Cảm giác tối tăm - mù mịch - bị săn đuổi trong đêm mưa chia tay với Nguyễn Viện và bạn bè của anh ám ảnh tôi một thời gian. Bỏ qua sự sợ hãi nguyên thủy, còn một cảm giác khác. Có thể gọi đó là hiệu ứng tích cực của sự sợ hãi. Nó tạo ra một hưng phấn phiêu lưu mạo hiểm, một sự khích thích dấn thân, một miền hoang tưởng, một sự dồn nén tức thở và một kinh nghiệm sống mà mỗi nhà văn đều thèm muốn có được. Hẳn Nguyễn Viện phải biết rất rõ, chính bầu không khí nặng nề khủng bố đó là nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương. "Lão" dám sống trong đó, viết trong đó, khai thác bầu không khí tù đày đó và lão thành công hơn ai hết. Văn chương của Nguyễn Viện không nói về tự do, không kêu gào tán dương tự do bằng những ngôn từ rủng rẻng. Đừng mong. Nguyễn Viện chỉ phơi bày "cái sự không tự do" để đánh thức tư tưởng tự do của người khác.
Cái sự không tự do của Nguyễn Viện là thứ quỷ ám, dâm tà, hôi thối, chết chóc, lở loét... Những bức tranh của Nguyễn Viện là quá khứ âm u cùng hiện tại hỗn mang phi lý làm người thưởng ngoạn nghẹt thở hoa mắt mất phương hướng. Người ta hoảng hốt đấm vào khoảng không. Chỉ thấy âm khí dật dờ.
Nguyễn Viện vẽ ra bộ mặt thật kinh tởm của một xã hội đáng nôn mửa của những kẻ nửa người nửa ma, người ta đọc nó, người ta nôn mửa ra nó, người ta kinh tởm nó và người ta tin rằng Nguyễn Viện chính là thủ phạm, bởi vì chính lão đã vẽ ra sự kinh tởm ma quỷ đó. Đó là trạng thái nhập tràng.
Nguyễn Viện dám cắt ngón tay, ngón chân, cái pín của lão bỏ vô nồi cháo cho độc giả ăn, không phải ai cũng nuốt nổi cái thứ qua đêm ghê rợn của họ Nguyễn. Nhưng thử hỏi, trên đời này có gã tình nhân nào cho người yêu ăn hết tay chân, cho người yêu ăn luôn cái pín.
"... ngay cả khi cái “pín” đã được nhai nát và nuốt hẳn vào trong bụng cô, anh vẫn còn cảm giác về nó. Khởi đầu là một cảm giác cực sướng đi sâu vào từng tận tế bào, tuy rất đau, nhưng liền sau đó là một nỗi mất mát sâu thẳm từ bản thể." - Nguyễn Viện,  Bữa ăn tối.
Yêu như vậy không thể gọi là giang hồ lãng tử mà phải gọi "đệ nhất lụy tình" hay là "chung tình khách".
Bởi vậy, nói Nguyễn Viện mang tính phụ quyền, áp chế phụ nữ thông qua một vài nhân vật của Nguyễn Viện e rằng hơi bất công. Nói Nguyễn Viện thi vị hóa tội ác hiếp dâm trẻ em là một cách đặt vấn đề quá trực diện. Trong một xã hội tràn ngập những thằng đàn ông mặc đồ nỉ đỏ thì có đứa con nít nào, người đàn bà nào, người dân thấp cổ bé miệng nào không bị cưỡng hiếp (thể xác hay tâm hồn). 
"Tất cả bọn họ đều mặc bộ đồ nỉ đỏ y như người đàn ông trong bức tranh trên tường. Họ không hiếp hay giết cô gái, nhưng họ xông vào tôi, xé bộ quần áo tôi đang mặc, rồi trùm vào tôi bộ đồ nỉ đỏ. “Tôi không muốn”, vừa nói tôi vừa cố giằng lại bộ quần áo cũ của mình. Vô ích. Họ đánh đập tôi.
Khi tỉnh lại, tôi đã là một người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ.
Từ ấy, tôi trở thành một người yêu xác chết. Tôi cần phải giết người, hoặc tôi phải tìm kiếm những tử thi.
Những người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ lôi kéo tôi vào những cuộc đàn áp như họ đã từng đàn áp tôi." - Nguyễn Viện, Sinh ra từ trứng, phần 3.
Một xã hội như vậy, có hay không? Những thằng đàn ông hung bạo mặc đồ nỉ đỏ, có hay không? Những con người bị cưỡng hiếp đến đần độn, toàn tâm toàn ý yêu xác chết, có hay không? 
Cứ nhìn thấy Bác là già lại rưng rưng xúc động,” cụ Thuận (nhà ở Quảng Ninh) tâm sự. Cụ Thuận đã hơn 70 tuổi. Quốc khánh năm nay, gia đình cụ thuê xe về thủ đô thăm Bác theo mong ước của cụ. “Bà tôi trằn trọc, dậy từ 3 giờ sáng, dù 5 giờ xe mới xuất phát. Bà bảo cứ nghĩ đến được thăm Lăng Bác Hồ là chỉ muốn dậy sớm để đi ngay,” chị Phương, cháu gái cụ Thuận đứng cạnh vui vẻ kể." - Nguyễn Viện, Vô tận & vô độ.
Người ta có thể không ưa những trang viết dày đặc cảm xúc tình dục và những hành động đầy dục tính bất thường của Nguyễn Viện. Nhưng liệu  người ta có thể dễ dãi bỏ qua những hiện tượng xã hội u mê, rối loạn dục tính, si mê tôn thờ xác chết?
Nguyễn Viện khái niệm kiểu yêu xác chết này bằng cái nghĩa trần trụi và vô đạo nhất là "hãm hiếp xác chết". Ở đây có cần giải thích thêm về cái nhìn pháp lý của một nhà văn? Hay đưa thẳng ra một định nghĩa về hành vi hãm hiếp: "Hãm hiếp là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để xâm phạm thân thể nạn nhân trái với ý muốn của họ, nhằm thỏa mãn mục đích hay cảm xúc của mình."

*
Sau này tôi không liên lạc Nguyễn Viện nữa, tính tôi không thích giao du và tâm sự. Nguyễn Viện dường như cũng vậy, lão thích ẩn náu trong vỏ ốc và đẻ trứng. Đẻ liền tù tì. Nhưng tình cảm của tôi dành cho Nguyễn Viện vẫn còn đó, hình ảnh của Nguyễn Viện trong một lần gặp gỡ ở quán cà phê vẫn luôn lặng lẽ bí ẩn như vậy. Vì điều này mà một năm sau, trong cuốn tiểu thuyết Miền Hư Ảo tôi dành cả một chương "Bình nguyên Apple và thôn Rồng Rắn" để viết về Nguyễn Viện.
"..."
– Tiểu bối từng nghe giang hồ đồn rằng, kẻ mang danh Viên lão là người chấp chính hiện nay của môn phái "Tiên tri giả". Không ngờ lại gặp lão ta ở bình nguyên này.

– Cái tên Tiên tri giả ta chưa nghe qua bao giờ. Môn phái này hoạt động ra sao?

– Họ là những kẻ có biệt tài bất thường, tính khí rất quái đản, lại thông minh tuyệt đỉnh. Họ luyện Tán tâm pháp để tạo ra quanh mình một vùng hấp lực khuynh ảo dị thường. Những kẻ bị Tán tâm pháp vây hãm đều mang cảm xúc nửa phần dâm tà nửa phần điên loạn.

Ngã giật mình nhớ tới cảm giác kỳ quặc của mình ở nhà Viên lão. Lạ thay, lòng không tức giận, chỉ thấy lạ lùng. Ngã thở dài, nói:

– Viên lão luyện công được đến mức như vậy quả là kẻ bất thường. Những thứ ảo giác trong thôn Rồng Rắn cũng thiệt là quái đản.

Nặc tử bỗng cười nhỏ:

– Những thứ đó thật ra cũng vô hại thôi. Viên lão biết rõ bà cháu mình là ai nên tìm cách giữ lại để dò la thông tin. Nếu lão ta thật tình muốn ám hại bà cháu mình, chuyện đã dễ như trở bàn tay. Chỉ có điều, càng cố suy diễn thì ảo giác trong thôn càng lệch lạc, lệch lạc một cách kỳ thú, đó là một thứ nghệ thuật khuynh ảo thượng thừa của phái Tiên tri giả.

Ngã nhớ tới buổi ăn tối gớm ghiếc của Viên lão, mùi hôi khăm khẳm còn đọng nơi đầu lưỡi.

– Lão họ Viên tư cách tà ma, ăn uống lại man rợ – Ngã nói ra câu này, bỗng dưng rồi nóng bừng cả huyệt Á Môn.

Nặc tử không để ý gì tới lời nói của ngã. Nó mơ màng quay đầu nhìn lại phía Viên gia trang, nói như tiếc rẻ:

– Đám thiếu phụ trẻ trong thôn Rồng Rắn thật khêu gợi và đa tình.

Ngã rùng mình nghĩ tới những bức ảnh người chết nằm lăn lóc trong nghĩa địa nhà họ Viên. Tất cả đều là ảnh phụ nữ khoả thân.
"..."
Viết chương này, lòng tôi không chỉ khâm phục võ công thượng thừa của Nguyễn Viện mà còn can đảm thú nhận: Đọc văn Nguyễn Viện tôi chẳng hiểu bao nhiêu, càng cố suy diễn thì ảo ảnh càng lệch lạc. Bạn đừng nghe những gì Nguyễn Viện nói, mà hãy đọc kỹ những gì Nguyễn Viện viết, cái đó mới là phần nội công của lão ta, cái đó mới là phần nghệ thuật khuynh ảo thượng thừa.
"Người ta có thể sung sướng ở giữa các đau khổ tàn bạo nhất và có thể khốn nạn ngay ở giữa các khoái lạc lớn nhất." - Nicolas Malebranche, Von der Erforschung der Wahrheit.
Nguyễn Viện có thể loay hoay tìm cách tự sung sướng ở giữa những đau khổ tàn bạo, nhưng đôi lúc "lão" cũng khốn nạn ngay ở giữa thành công của mình. Người đọc đặt ra nhiều nghi vấn và tấn công cách đặt vấn đề xã hội của Nguyễn Viện, buộc nhà văn phải lên tiếng lý giải: "Trước hết xin thành thật khai báo. Nguyễn Viện là nhà văn, không phải cán bộ tuyên giáo, lại càng không phải là một nhà đạo đức học."
Bức bách một nhà văn sáng tác trong điều kiện tự do ngặt nghèo phải lên tiếng tự bảo vệ mình là không nên, nếu không nói là thiếu công tâm. Lẽ dĩ nhiên, đối thoại văn chương là điều cần thiết cho một nền văn học lành mạnh, nhưng cách đặt vấn đề quá trực diện cho một phạm vi được phép trả lời hạn hẹp là không công bằng. Điều khập khễnh này sẽ chẳng bao giờ mang lại sự thật.
Mặc khác, để cho người có tự do ngôn luận chỉ trích phê phán người không có tự do ngôn luận, để cho nặc danh tấn công chính danh, để cho người sống đấu tố người vừa nằm xuống (khi đối tượng không còn khả năng phản biện, khi tang gia còn chưa qua 49 ngày cầu siêu) - chúng ta còn một ví dụ nào đau lòng hơn về "ý thức tự do"?

*

Văn Việt vừa giới thiệu 6 cuốn sách của Nguyễn Viện. Tôi đăng lại đường dẫn ở đây và nói riêng rằng: Lưu muội chúc mừng Viên lão.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét